Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Trị có một người được Chính phủ Rumania cấp học bổng đào tạo thạc sĩ tại Trường đại học Âm nhạc quốc gia Rumania với chuyên ngành biểu diễn Piano. Người được vinh dự này là cô Hồ Thị Ngọc Hà (sinh năm 1992), người dân tộc Vân Kiều, giảng viên bộ môn Piano tại Khoa âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Luôn xuất sắc, tài năng

Ấn tượng đầu tiên của Hồ Thị Ngọc Hà đối với tôi là cô luôn khiến cho người đối diện bị thu hút bởi vẻ đẹp trong sáng, hiện đại. Không chỉ xinh đẹp, Ngọc Hà còn rất thông minh. Vượt qua rất nhiều hồ sơ dự tuyển, Ngọc Hà vừa vinh dự có mặt ở thủ đô Bucharest theo học khóa đào tạo thạc sĩ tại Trường đại học Âm nhạc quốc gia Rumania với chuyên ngành biểu diễn Piano.
 
Ngọc Hà luôn mong muốn được học và tiếp xúc với nền âm nhạc cổ điển của châu Âu, tiếp tục ước mơ đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng bằng cách phối mới lại các tác phẩm kinh điển. Ngọc Hà thật lòng chia sẻ: “Những điều em mong muốn, có thể có điều em làm được cũng như chưa chắc đã làm được, nhưng em luôn nỗ lực hết mình, từng chút, từng chút một.
 
 Vì có thể bạn không đi đến đích nhưng ít nhất bạn cũng đã vượt ra khỏi điểm xuất phát ban đầu”. Có ai ngờ tư tưởng lớn ấy lại xuất phát từ cô bé xuất thân ở phố núi Khe Sanh của huyện Hướng Hóa. Đối với Ngọc Hà, con đường đến với âm nhạc không chỉ là sự tình cờ mà còn là duyên phận. Hà vẫn nhớ rõ, cách đây hơn 15 năm, có một nhạc sĩ đến ở lại cùng  gia đình cô trong suốt thời gian làm chương trình nghệ thuật chuẩn bị cho đêm hội diễn chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng Khe Sanh.
 
 Người nhạc sĩ này đã thử thẩm âm tiết tấu của cô và nói với ba của cô rằng: “Nên cho cô bé này đi học nhạc”. Vậy là Ngọc Hà được ba bắt đầu cho làm quen với đàn Keyboard và chỉ một năm sau đó, khi cô mới 10 tuổi (đi  học sớm một năm) thì thi đỗ vào hệ Trung cấp năng khiếu của Trường Đại học Nghệ thuật Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế).
 
 Đối với một cô bé vốn xuất thân là người dân tộc thiểu số, tính tình lại rất nhút nhát và chưa bao giờ tham gia hay biết đến văn nghệ là gì, nhưng phải một mình vào Huế để học âm nhạc khiến cho mọi người và ngay cả chính bản thân cô cũng cảm thấy rất bất ngờ.
 
Ngọc Hà hồi tưởng lại thời gian đầu đối với cô gặp không ít khó khăn. Cô cũng chỉ là cô bé lớp 5, nhưng phải độc lập tập làm quen với cuộc sống mới, bạn bè thầy cô mới, cũng ốm đau liên tục vì lạ nước, lạ khí hậu. Và cũng từ đây, cô phải quen với việc học song song 2 trường, văn hóa và âm nhạc, phải quen với việc đặt cho mình thời khóa biểu tập đàn một cách nghiêm túc.
 
Ngày đó gia đình cô cũng không có điều kiện mua cho cô cây đàn nên hàng ngày cô phải tập đàn của trường hoặc tranh thủ sau những giờ lên lớp ở lại tập thêm một mình. Khó khăn là vậy, nhưng niềm đam mê âm nhạc của Ngọc Hà thì không có giới hạn. Chuyên ngành chính của cô là Keyboard, song hình ảnh người nghệ sĩ với cây đàn dương cầm mới khiến cho cô thấy say mê thực sự. Vậy nên cô đã xin thầy giáo cho cô được học thêm bộ môn Piano.

Với Ngọc Hà, biểu diễn Piano là một niềm đam mê vô hạn

 

Để học tốt, cô phải tập đàn tại trường cũng như tăng giờ tập nhiều hơn. Đến lúc này gia đình vẫn chưa mua nổi cho cô cây đàn Keyboard. Vậy mà Ngọc Hà vẫn học xuất sắc, cô luôn được nhận học bổng dành cho học sinh giỏi của trường. Đặc biệt 2 lần cô được trao tặng “Học bổng TOYOTA hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam”. Rồi Ngọc Hà tốt nghiệp Trung cấp Âm nhạc, hệ 9 năm, chuyên ngành Keyboard tại Học viện Âm nhạc Huế, loại giỏi.
 
Nung  nấu  theo đuổi con đường Piano chuyên nghiệp, cô liền nộp hồ sơ thi vào chuyên ngành biểu diễn Piano của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đỗ á khoa. Bốn năm sau Ngọc Hà tốt nghiệp loại xuất sắc nhất và trở thành giảng viên bộ môn Piano tại Khoa âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
 
 Với Ngọc Hà sự học thế vẫn chưa đủ, cô tiếp tục thi và trúng tuyển vào Cao học biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Khi đang học tại trường này, nhờ sự giới thiệu của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và thành tích học tập xuất sắc, cô lại nhận được suất học bổng Thạc sĩ âm nhạc (biểu diễn Piano) của Chính phủ Rumania. Thế là gác lại mọi ước mơ ở quê nhà, cô sang Rumania để “tầm sư học đạo.”

Khát khao cháy bỏng với piano
 
 Đối với Ngọc Hà, biểu diễn đàn Piano không phải là nghề mà là nghiệp, là niềm đam mê mà cô phải dành cả thời thơ ấu để có được như ngày hôm nay. Từ khi chính thức theo đuổi Piano, cô đã phải luôn cố gắng nỗ lực hết mình bởi vì không được học Piano căn bản ngay từ khi bắt đầu. Nên cô phải vừa tập đàn vừa cố gắng tập bổ sung kĩ thuật cho những năm tháng mà mình chưa có điều kiện học hành. Ngọc Hà luôn ý thức rằng theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp, năng khiếu là một phần, sự chăm chỉ và ý thức tập luyện một cách nghiêm túc mới là điều quan trọng hơn cả.
 
Dường như hai chữ  tập đàn đã trở thành một từ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của cô. Cho đến trong giấc ngủ cô vẫn mơ mình đang tập đàn Piano. Ngọc Hà nhớ lại mặc dù học âm nhạc từ bé, nhưng mãi đến năm lớp 9 cô mới được ba mua cho cây đàn Keyboard đầu tiên. Không thể diễn tả được niềm vui của cô lúc đó. Nhưng khi phát hiện ra số tiền mua cây đàn chính là từ số lương hưu ít ỏi mà ba cô nhận được cho lần về hưu chính thức, cô đã nghẹn đến thắt lòng vì thương ba.
 
Cho đến tận khi Ngọc Hà học đại học và mua được cây đàn Piano cho mình bằng chính số tiền đi dạy, đi diễn, cô càng trân trọng hơn những vất vả mà ba mẹ luôn cố gắng gồng gánh để con mình có được những điều tốt đẹp nhất. Ngọc Hà quan niệm rằng, việc cố gắng theo đuổi học tập đến nơi đến chốn và giảng dạy âm nhạc thật tốt là trách nhiệm của một người nghệ sĩ.
 
 Biểu diễn âm nhạc mang lại cho cô rất nhiều cảm xúc, là nơi thể hiện niềm say mê cũng như rèn luyện bản lĩnh của một nghệ sĩ âm nhạc cổ điển, bên cạnh đó dạy học tốt thì cô có cơ hội truyền lại cho học sinh của mình được nhiều tri thức và lòng trắc ẩn. Mỗi lần lên lớp chuyên môn, Ngọc Hà luôn cố gắng truyền đạt những gì mình học được, tôi luyện được cho học sinh giống như các thế hệ thầy cô đi trước đã ươm mầm cho cô.
 
Ngọc Hà rất trân trọng nghề giáo, bởi những gì cô có được như ngày hôm này chính là nhờ sự chỉ bảo và giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, đặc biệt trong đó có ba cô. Nói về hình ảnh của ba (thầy giáo Hồ Xuân Long, chuyên gia ngôn ngữ Bru Vân Kiều) ảnh hưởng đến mình, Ngọc Hà chia sẻ: “Ba không dạy em một nốt nhạc nào, nhưng ba chính là người thầy đã truyền cho em tình yêu và sự tận tâm với nghề giáo”.

Ngọc Hà cùng bạn bè quốc tế trong một giờ học ở Rumania

Với cô, hình ảnh người nghệ sĩ bên cây đàn Piano luôn đẹp và nên thơ, nhưng để có được những khoảnh khắc đó, họ phải tập luyện rất vất vả. Những ngày ở Hà Nội, Ngọc Hà cố gắng tham gia biểu diễn Piano trong khá nhiều sự kiện bao gồm cả độc tấu, song tấu và hòa tấu.
 
Chính thời gian được làm việc thực tế đã giúp cô có nhiều kinh nghiệm để có thể giảng dạy, chơi đàn, đệm đàn cho thanh nhạc hay các nhạc cụ khác (violin, cello, flute…) một cách tốt hơn.
 
Có lẽ kỷ niệm lớn nhất với cô là chương trình đêm nghệ sĩ trẻ “Space”. Đó là một đêm nhạc thính phòng của cô được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Salon âm nhạc Cà phê thứ 7 và sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn thân thiết, diễn ra tại “Không gian âm nhạc Cà phê thứ 7”. Để tổ chức được chương trình này, cô đã phải tập luyện vất vả mất mấy tháng trời và đặt rất nhiều tâm huyết. Bởi đây không chỉ là mini show đầu tiên của riêng cô mà còn là cách để cô gửi lời tri ân đến thầy cô, bạn bè và người thân đã luôn ủng hộ, giúp đỡ cô trong suốt chặng đường âm nhạc của mình.
 
Đây cũng là show diễn cuối cùng trước khi cô tạm ngưng mọi công việc cũng như các dự án âm nhạc ở Việt Nam để tiếp tục theo đuổi con đường biểu diễn Piano chuyên nghiệp bằng cách tu nghiệp ở nước ngoài. Được đào tạo âm nhạc tại Rumania là rất vinh dự, mảnh đất tốt cho Ngọc Hà thực hiện ước mơ của mình, nhưng cô luôn khiêm tốn, xem đây là dịp học hỏi để mở mang thêm về kiến thức âm nhạc cũng như được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa châu Âu, là cái nôi của nền âm nhạc cổ điển.
 
Ước  mơ của Ngọc Hà với con đường âm nhạc luôn vô tận. Cô mong muốn sau khi học xong, sẽ có cơ hội được biểu diễn nhiều hơn, công việc giảng dạy cô vẫn luôn theo đuổi. Song song đó là tiếp tục dự án đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng bằng cách phối mới lại các tác phẩm kinh điển.
Source: Trần Tú Linh / báo Quảng Trị

Tin mới

Hòa nhạc hữu nghị, giao lưu văn hóa Việt Nam – Rumani

Lịch sử đàn piano Feurich

Liên hệ